Menu

Cháo Tôm Nấu Với Rau Củ Gì Vừa Bổ Dưỡng Giúp Bé Ăn Ngon Miệng

Tôm là một loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất như canxi, sắt, phốt pho, vitamin B12, protein…cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt trong tôm còn có DHA rất tốt cho sự phát triển của trí não trẻ. Có rất nhiều các bà mẹ trẻ không biết kết hợp cháo tôm nấu với rau củ gì thì tốt? Cần tránh những rau loại gì? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé

Bật mí cách chọn tôm tươi ngon

Tôm có nhiều loại và mỗi loại được nuôi dưỡng trong môi trường khác nhau. Tùy thuộc vào loại tôm mà bạn cần để có được cách chọn tôm ngon, chắc thịt. Hiện nay, có bốn loại tôm phổ biến là tôm sú, tôm sắt, tôm biển và đắt nhất là tôm hùm vì thế cách chọn cũng khác nhau cụ thể:

  1. Tôm sú: Đầu tiên, bạn phải chọn tôm còn sống, có vỏ bóng, màu xanh ngọc trong suốt, có sống chạy dọc giữa thân tôm, thì đó là tôm ngon, chắc thịt
  2. Tôm he ( biển): Khi cầm tôm lên xem, tôm còn nhảy tanh tách, có màu hồng trắng, mắt xanh, đó mới là tôm ngon và còn khỏe.
  3. Tôm hùm: Bạn nên chọn những con trưởng thành có vỏ bóng càng xanh, hoa văn có màu nân đen rõ ràng và với kích thước lớn sẽ cho thịt ngọt và chắc nhất.
  4. Tôm sắt: Tôm khỏe và ngon là tôm còn tươi, có màu hồng trắng, nếu tôm có màu hồng đậm là tôm để lâu, đã ươn, không đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, bạn có thể chọn tôm tươi ngon bằng các điểm sau:

+ Bạn nên chọn những loại tôm tươi với vỏ ngoài trong suốt còn hơi mùi của nước biển chứ không tanh.

+ Tôm tươi thường có phần đuôi xếp lại với nhau. Nếu đuôi tôm bị xòe ra thì tôm đã bị bơm hóa chất hoặc tiêm nước làm cho tôm mập mạp.

+ Tôm tươi thường có phần chân gắn chặt vào thân, do vậy nếu thấy chân tôm đã chuyển sang màu đen thì bạn không nên mua nữa

+ Tôm tươi và không bị bơm hóa chất có phần thân hơi cong, căng thịt nhưng không mập mạp bất thường, các khớp vỏ trên thân tôm linh hoạt, không bị rời rạc, đầu tôm và thân tôm dính chặt với nhau, đầu tôm không rơi ra khỏi thân tôm.

Cháo tôm nấu với rau củ gì vừa bổ dưỡng vừa giúp bé ăn ngon miệng?

Ở thời điểm tập cho bé ăn cháo tôm, mẹ có thể bắt đầu bằng cháo nấu với tôm để con quen vị cũng như để mẹ theo dõi xem con có dị ứng với tôm hay có tiêu hóa tốt không?

Sau một khoảng thời gian, mẹ có thể đổi vị bằng cách kết hợp thêm rau củ để con có thêm cơ hội trải nghiệm những vị ngon khác cũng như không ngán.

Với món cháo tôm, bạn có thể nấu với các loại rau củ như: bí đỏ, nấm rơm, cà rốt, đậu xanh, rau dền, cải ngồng, su hào, rau ngót, mồng tơi, chùm ngây, súp lơ, khoai lang, rong biển… để nấu cháo ăn dặm cho bé. Sự kết hợp nguyên liệu đúng sẽ đem lại món ăn giàu dinh dưỡng, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

Cháo tôm nấu với rau ngót – đậu xanh

Giúp cho bé sẽ tăng cường lượng chất xơ, vị bùi ngọt, và lượng vitamin B, C giúp bé tăng cường sức đề kháng, đẩy mạnh chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể.

Nguyên liệu:

  • 30 gram gạo tẻ
  • 4 con tôm (chọn tôm thật tươi)
  • 10 gram đậu xanh tách vỏ
  • 50 gram rau ngót
  • 1 tép hành khô, phô mai và dầu olive

Cách thực hiện:

Bước 1: Vo sạch gạo và đậu xanh. Rồi đem ngâm khoảng 30 phút, trộn chung hỗn hợp nấu thành cháo.

Bước 2: Làm sạch tôm, bóc vỏ bỏ hết râu, đầu tôm, lấy chỉ đen ở trên lưng – chỉ giữ lại phần thịt tôm để nấu cháo cho bé. Sau đó, băm nhuyễn tôm.

Bước 3: Rửa sạch rau ngót và băm nhỏ.

Bước 4: Băm nhỏ hành tím khô, rồi cho vào chảo thêm ít dầu phi thật thơm. Sau đó, cho tôm vào xào sơ qua (lưu ý chỉ nên xào cho thịt tôm chuyển sang màu hồng, không nên xào kỹ vì sẽ làm thịt tôm dai, mất chất, bé lại khó ăn).

Bước 5: Cháo chín, mẹ tiếp tục cho thịt tôm, rau ngót và phô mai vào khuấy đều lên, rồi chờ đến lần sôi tiếp theo. Sau đó, nêm thêm chút nước mắm nếu bé ở độ tuổi đã có thể dùng gia vị. Cháo chín mẹ tắt bếp và cho 1.5 thìa dầu olive

Cháo tôm nấu với súp lơ xanh

Bông cải xanh hay còn gọi là súp lơ, chứa rất nhiều vitamin C, vitamin K, giàu chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ. Đây chắc chắn là một lựa chọn hoàn hảo để nấu chung với cháo tôm.

Nguyên liệu: 1 cốc gạo nhỏ, nước dùng (ninh từ xương lợn, gà), 150g tôm, 55g súp lơ xanh, 1 miếng phô mai, 1/4 củ hành tây.

Cách nấu như sau:

+ Gạo vo sạch, ngâm cho nở. Súp lơ, hành tây thái miếng nhỏ vừa bé ăn, sau đó xào thơm với xíu dầu ăn. Tôm bóc vỏ, xào cùng hành tây và súp lơ.

+ Cho gạo vào đảo đều với tôm. Cho thêm nước dùng vào nấu chín nhừ. Cháo chín nhừ cho súp lơ xanh và hành tây vào nấu sôi. Cuối cùng cho miếng phô mai và gia vị vừa ăn, chờ cháo sôi rồi tắt bếp.

Cháo tôm nấu với bí đỏ

Bí đỏ là một thực phẩm giàu dưỡng chất và vitamin, đặc biệt hỗ trợ cho sự phát triển trí não cho bé tốt. Kết hợp với thịt tôm một loại thực phẩm giàu protein và chất dinh dưỡng sẽ giúp bé phát triển nhanh chóng và toàn diện.

Nguyên liệu: bí đỏ 200g, 200g tôm tươi, gạo nếp 1 nắm, hành lá, ngò.

Cách nấu như sau:

+ Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng nhỏ. Gạo nếp vo sạch, ngâm nước cho nở. Tôm bóc vỏ, rút chỉ đen, xay nhuyễn rồi ướp với hạt nêm.

+ Cho bí đỏ và gạo nếp vào nồi nấu chín nhừ. Cháo chín nhừ cho thịt tôm vào, nấu cho chín rồi tắt bếp, múc ra bát cho thêm xíu hành, ngò thái nhỏ cho thơm.

Lưu ý: Với bé 6 tháng tuổi, nấu với bột cần xay nhuyễn tôm, dùng rây lọc bỏ bã, bí đỏ nấu chín, dùng rây loại bỏ bã.

Cháo tôm nấu với cà rốt

+ Lượng vitamin C, D, E và các vitamin nhóm B dồi dào có trong cà rốt là sự bổ sung tích cực dinh dưỡng và tăng cường đề kháng tuyệt vời cho bé.

+ Lượng chất caroten trong cà rốt nhanh chóng chuyển hóa thành vitamin A rất cần cho thị giác và thể chất của trẻ. Cháo tôm cà rốt thơm, ngọt, dễ dùng, cung cấp dinh dưỡng và năng lượng dồi dào cho bé. Công thức nấu cháo tôm cà rốt này dành cho bé từ 9 tháng tuổi.

Nguyên liệu: 100g tôm tươi, 5 muỗng gạo tẻ, 2 muỗng gạo nếp, ½ củ cà rốt, Dầu olive, Nước mắm

Cách nấu như sau:

– Đầu tiên, bạn gọt vỏ cà rốt, rửa sạch và thái thành hạt lựu. Sau đó, bạn trộn lẫn gạo nếp, gạo tẻ vo sạch, để trên rổ cho thật ráo nước.

– Với tôm, bạn bóc vỏ, loại bỏ đường chỉ đen trên lưng, rửa sạch và băm nhỏ. Bạn lưu ý, nên ướp tôm thêm ít nước mắm trong vòng khoảng 15 phút để thấm gia vị.

– Sau đó, bạn cho gạo vào nồi, bắc lên bếp ninh chín nhừ. Khi cháo chín, bạn cho cà rốt vào nấu cùng. Sau đó, bạn cho tôm vào nồi cùng 1 thìa cà phê dầu olive, 1 ít nước mắm, đợi sôi lại một lần nữa thìa tắt bếp là hoàn thành cách nấu cháo tôm cho bé.

Cháo tôm nấu với nấm rơm

Vị ngọt của tôm rất hài hòa với vị bùi thơm của nấm rơm. Với món cháo này, mẹ yên tâm các bé sẽ mê tít, ăn ngon miệng từ đầu tới cuối. Nấm rơm và tôm là hai nguyên liệu chính của món cháo bổ dưỡng này.

Nguyên liệu: 40g gạo, 100g tôm, 100g nấm rơm, 1 bìa đậu hũ chiên, 1 củ hành khô, 1 mớ hành lá. Một số gia vị khác: nước mắm, tiêu xay, muối, bột nêm

Cách nấu:

  • Gạo vo sạch, để ráo nước rồi cho vào nồi ninh nhừ với 350 ml nước lọc.
  • Hành khô lột vỏ, băm nhuyễn chia thành 2 phần. Tôm làm sạch, bỏ đầu, băm nhuyễn ướp cùng với hành khô, tiêu và 1 thìa nước mắm để trong 30 phút.
  • Nấm rơm bổ đôi, ngâm với nước muối loãng rồi vớt ra để ráo nước. Đậu hũ cắt miếng nhỏ. Cho phần hành khô còn lại vào phi thơm với dầu ăn, đổ tôm vào cùng với nấm, xào chín. Nêm gia vị vừa ăn.
  • Đợi cháo nhuyễn, rồi cho nấm cùng với tôm vào, đảo đều. Nêm lại thêm 1 lần nữa. Cháo chín, múc ra bát, cho đậu hũ vào và rắc vài cọng hành lá lên trên cho đẹp mắt.

Cháo tôm nấu với rau mồng tơi

Rau mồng tơi có hàm lượng vitamin A cao, giàu vitamin C hơn cả rau bó xôi và giàu chất sắt có lợi cho sản sinh tế bào hồng cầu khỏe mạnh.

Với vị ngọt, tính mát, cháo tôm mồng tơi sẽ giúp bé giải nhiệt cơ thể, tăng cường dưỡng chất, đặc biệt là lượng chất nhầy pectin trong mồng tơi rất hữu ích giúp bé nhuận tràng, tránh táo bón.

Nguyên liệu: 200g gạo tẻ, gạo nếp, 100g tôm, 100g rau mồng tơi. Gia vị mắm muối và dầu ăn.

Cách nấu:

– Gạo nếp và gạo tẻ: Vo sạch gạo, ngâm trong 1h đồng hồ để nấu cháo nhanh mềm và nhuyễn hạt.

– Tôm: Bỏ tất cả râu và đầu đuôi, rửa sạch rồi bóc vỏ. Tiếp tục xay nhuyễn hoặc băm nhỏ theo khả năng ăn thô của bé. Xào thịt tôm qua với chút mắm hoặc muối.

– Rau mồng tơi rửa sạch sau đó băm nhỏ vừa ăn.

– Nồi cháo sôi, mẹ hãy cho tôm và rau mồng tơi vào khuấy đều.

– Nêm mắm muối phù hợp với khẩu vị của trẻ.

– Cuối cùng tắt bếp cho khoảng 5ml dầu ăn vào khuấy đều là được.

Cháo tôm nấu với rau dền đỏ

Nguyên liệu: 30g tôm, 10g rau dền, 50g bột gạo.

Cách nấu:

  1. Tôm bóc vỏ, xay nhuyễn, rau dền rửa sạch băm nhỏ.
  2. Cho tôm và rau dền vào nấu chín rồi tắt bếp.
  3. Khi hỗn hợp còn ấm mẹ cho bột gạo vào khuấy đều, đun sôi nhỏ lửa để bột chín hoàn toàn.
  4. Cho thêm xíu dầu ăn trẻ em và tắt bếp, múc cho bé thưởng thức.

Một số lưu ý khi cho trẻ ăn cháo tôm

Không nên cho trẻ ăn tôm cả vỏ, sẽ dễ bị hóc.

Khi bắt đầu cho bé làm quen với cháo tôm, nên cho bé thử lượng nhỏ để xem phản ứng của cơ thể, vì tôm là 1 thực phẩm dễ gây dị ứng.

Khi trẻ bị ho, tránh cho bé ăn tôm, vì khi đó hệ hô hấp rất nhạy cảm với mùi tanh, dễ khiến tình trạng ho tệ hơn.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *