Măng Tây Là Gì? Công Dụng, Cách Sơ Chế Măng Tây Trong Nấu Ăn
Ở chuyên mục Hỏi Đáp hôm nay, chúng tôi sẽ giải thích với các bạn về một loại măng có nguồn gốc từ các nước Châu Âu, đó chính là măng tây? Công dụng của măng tây đối với sức khỏe như thế nào? Cách chế biến măng tây trong nấu ăn? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé
Nội Dung
Măng tây là gì?
Măng tây có tên khoa học là Asparagus officinalis, là một loại cây lâu năm thuộc họ nhà măng, có nguồn gốc từ Châu Âu và các nước phương Tây. Măng tây thân thẳng, phần đầu nhỏ, có hình dạng như ngọn giáo, được xem là một loại rau cao cấp được yêu thích bởi vị giòn, ngon và kết cấu khá mềm.
Măng tây được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, tập trung nhiều nhất ở Trung Quốc, Peru, Mỹ, Mexico và được thu hoạch vào mùa xuân.
Thành phần dinh dưỡng của măng tây
Măng tây không chỉ có nhiều chất xơ mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất tốt cho cơ thể như vitamin B6, canxi, magie, kẽm, vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin K, riboflavin (B2), thiamin (B1), rutin, niacin, axit folic, sắt, phốt pho, kali, đồng, mangan, selen, crom và protein.
Ngoài ra trong măng tây còn chứa inulin – một chất có tác dụng rất tốt cho hệ tiêu hóa và một ít chất béo bão hòa.
Có mấy loại măng tây?
Trên thị trường hiện nay, có tất cả 3 loại măng tây gồm: Măng tây xanh, Măng tây trắng và Măng tây tím.
+ Măng tây xanh: Đây là loại măng tây được biết đến nhiều nhất và cũng là loại măng tây được trồng phổ biến ở Việt Nam. Loại măng tây này chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho cơ thể và có vị đắng hơn măng tây trắng và măng tây tím.
+ Măng tây trắng: Thực chất măng tây trắng cũng giống như măng tây xanh nhưng do được tạo ra trong quy trình khép kín, không được tiếp xúc với ánh sáng nên không thể sinh sản ra diệp lục, có vị ngọt, ít đắng và mềm hơn măng tây xanh. Đồng thời loại măng tây này cũng mập hơn và có giá trị dinh dưỡng cao, giá cũng cao hơn 2 loại măng tây còn lại do chi phí sản xuất cao.
+ Măng tây tím: Loại măng tây này có ít chất xơ, mềm hơn, có thể ăn từ đầu đến gốc và đặc biệt là có vị ngọt thơm mùi trái cây dịu dàng. Màu tím của nó được tạo ra nhờ hàm lượng cao anthocyanins – một chất chóng oxy hóa mạnh.
Tác dụng của măng tấy đối với sức khỏe
Măng tây không chỉ ngon mà còn có rất nhiều tác dụng tuyệt vời đối với cơ thể của chúng ta cụ thể như sau:
- Tốt cho tim mạch, điều hòa huyết áp, giảm cholesterol trong máu và bảo vệ tim khỏe mạnh.
- Tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, chống lại quá trình oxy hóa
- Tốt cho hệ hô hấp: Khi bạn bị ho, khan tiếng hay viêm cổ họng có thể dùng rễ cây măng tây đem sắc nước uống để chữa trị.
- Trong măng tây còn chứa nhiều folate, đây là loại chất có lợi cho máu và tốt cho phụ nữ mang thai.
- Măng tây sở hữu một lượng rất lớn chất xơ, chính vì thế mà măng tây đã mang lại cho chúng ta một hệ tiêu hóa cực kì khỏe mạnh.
- Măng tây rất tốt cho thị lực và được sử dụng như thuốc trị đau răng.
- Trị mất ngủ, cải thiện giấc ngủ, giúp cho giấc ngủ ngon hơn và sâu hơn.
- Phòng chống các bệnh ung thư
- Đẹp da: Vì chứa nhiều dưỡng chất vitamin A và vitamin C nên măng tây sẽ giúp da khỏe hơn và sản sinh ra nhiều collagen ngăn ngừa lão hóa.
Cách sơ chế măng tây đúng cách
Cách chọn măng tây ngon
Để chọn được măng tây tươi và ngon bạn cần lưu ý những điểm sau:
- Chọn măng tây có phần thân thẳng, phần ngọn không bị uốn cong. Cầm vào không mềm mà có cảm giác giòn cứng, có tiếng kêu “rắc” khi bẻ.
- Măng tây phải có màu xanh tươi, không bị ngả vàng. Ngọn măng có màu xanh đậm hoặc tím nhạt là những cây măng tây tươi, đạt chất lượng.
- Có thể chọn măng tây to hoặc nhỏ tùy theo nhu cầu sử dụng.
Rửa và làm sạch măng tây
Sau khi chọn được măng tây ngon, bạn nên rửa sạch phần cát lẫn trong các kẽ của ngọn măng tây dưới vòi nước chảy. Nếu cát ẩn bên trong phần ngọn, bạn có thể nhúng măng tây vào bát nước để làm sạch
Tiếp theo bạn cần cắt bỏ khoảng 5cm phần cuống của măng tây vì phần này thường cứng và không ngon. Còn nếu bạn đã bào bỏ vỏ măng tây thì chỉ cần cắt bỏ 2.5 cm thôi cũng được.
Cách bảo quản măng tây
Bảo quản được 1 tuần
- Cắt khoảng 1cm phần gốc măng rồi cắm vào cốc nước sạch ( ngập phần gốc từ 3 – 4 cm)
- Dùng túi ni lông chụp lên toàn bộ cốc nước. Để chúng vào ngăn mát tủ lạnh (có thể sử dụng giấy báo để bọc lên phần ngọn măng tây)
Bảo quản được từ 3 – 4 ngày
- Măng tây để nguyên bó, không rửa mà cắm phần gốc vào thau nước lạnh trong 5 phút. Không để nước dính vào phần ngọt vì chúng sẽ dễ bị thối khi để lâu
- Quấn măng tây vào giấy báo hoặc khăn ẩm sạch và bọc ngoài bằng lớp ni lông bọc thức ăn thật kín. Sau đó bỏ vào ngăn mát tủ lạnh
Hướng dẫn sử dụng măng tây trong nấu ăn
Sau khi rửa sạch, bạn dùng dao gọt phần vỏ ngoài của 1/3 cọng măng từ gốc trở lên (phần đầu của măng rất non, không cần gọt) rồi đem chế biến. Măng tây có thể dùng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như:
Cách làm măng tây xào tỏi
Nguyên liệu: 300g măng tây xanh, 1 muỗng canh tỏi băm, ¼ muỗng cà phê muối, ¼ muỗng cà phê tiêu, 3 muỗng canh dầu oliu.
Cách thực hiện: Măng tây rửa sạch, bỏ phần già cứng. Bạn có thể để nguyên cây dài hoặc cắt khúc tùy ý. Bắc chảo lên bếp, cho dầu oliu vào đun nóng, cho tỏi vào phi thơm rồi tiếp tục cho măng tây vào đảo nhanh tay. Bạn nêm muối và tiêu rồi tiếp tục đảo trong khoảng 2 – 3 phút nữa thì tắt bếp.
Cách làm măng tây luộc
Nguyên liệu: Măng tây, ¼ muỗng cà phê muối, ¼ muỗng cà phê tiêu, 3 muỗng canh dầu oliu.
Cách thức hiện: Nấu nồi nước sôi, cho vào chút muối, đường, dầu ăn rồi cho măng vào luộc từ 1 – 3 phút tùy kích thước. Vớt ra cho vào ngăn mát tủ lạnh hoặc thau nước đá để măng xanh và giòn rồi vớt ra để ráo.
Cách làm măng tây nướng
Nguyên liệu: Măng tây, muối, tiêu, dầu oliu
Cách thực hiện: Măng tây làm sạch, cho vào khay nướng trộn với chút dầu oliu, muối và hạt tiêu. Bạn làm nóng lò nướng trước, cho măng vào nướng khoảng 3 phút rồi lật lại, nướng thêm 3 phút hoặc lâu hơn nếu thấy măng phồng rộp lên.
Hy vọng những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ có thể giúp bạn hiểu được măng tây là gì, giá trị dinh dưỡng của măng tây cũng như tác dụng của măng tây đối với sức khỏe, đặc biệt có thể chế biến những món ăn ngon từ măng tây.